ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP
CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG DÂN DỤNG VÀ CÔNG NGHIỆP
Civil And Industrial Engineering Graduation Thesis
Mã số: CEST ...
1.Số tín chỉ: 7 (7-0-0)
2. Số tiết: Tổng: 105;
Trong đó: LT: 0; BT: 0; TN: 0; ĐA: 105; BTL: 0; TQ, TT: 0;
3. Thuộc chương trình đào tạo ngành:
- Học phần bắt buộc cho ngành: Kỹ thuật xây dựng (chuyên ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp)
- Học phần tự chọn cho ngành: Không
4. Phương pháp đánh giá:
Hình thức: Điểm GVHD
Số lần: 1 lần lấy điểm
Mô tả: GVHD đánh giá dựa trên thái độ, chuyên cần, kiến thức, hình thức thể hiện và tính sáng tạo, triển vọng cho cả quá trình làm đồ án tốt nghiệp của SV (cho theo tỷ lệ phần trăm khối lượng từng phần hướng dẫn gồm kiến trúc, kết cấu, nền móng và thi công)
Thời gian: Tuần 14
Hình thức: Điểm phản biện
Số lần: 2 lần lấy điểm
Mô tả: Hai giảng viên chấm phản biện ĐATN độc lập, đánh giá dựa trên khối lượng hoàn thành đồ án, kiến thức, hình thức thể hiện và tính sáng tạo, triển vọng của đồ án (không tính phần kiến trúc)
Thời gian: Tuần 15,16
Hình thức: Điểm hội đồng chấm tốt nghiệp
Số lần: Số thành viên HĐ
Mô tả: Đánh giá dựa trên sinh viên trình bày nội dung đồ án và trả lời câu hỏi của hội đồng chấm.
Thời gian: Ngày bảo vệ
Trọng số: Điểm HPTN là điểm trung bình cộng của GVHD, 02 cán bộ phản biện và của các thành viên HĐ chấm ĐATN (sau khi đã loại các điểm chấm không hợp lệ). Xem thêm trong “Quy định về học phần tốt nghiệp trình độ đại học và cao đẳng hệ chính quy theo học chế tín chỉ tại trường ĐHTL”
5. Điều kiện ràng buộc học phần:
- Học phần tiên quyết :
- Học phần học trước : Sinh viên đã tích lũy đủ số học phần quy định (không có học phần có điểm không đạt) của chương trình đào tạo chuyên ngành XDDD&CN (không bao gồm tín chỉ Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất, Chính trị cuối khóa, các môn học tự chọn không tính điểm và các môn học văn bằng hai).
- Học phần song hành:
- Ghi chú khác: Điều kiện để được sinh viên được thực hiện học phần tốt nghiệp: Điểm trung bình chung tích lũy của sinh viên đạt từ 2.0 trở lên (thang điểm 4)
6. Nội dung tóm tắt học phần:
Tiếng Việt : Sinh viên tổng hợp và vận dụng kiến thức đã học để thực hiện dưới sự hướng dẫn của giảng viên, thiết kế một công trình ở mức độ phức tạp trung bình, bao gồm hoàn thiện thiết kế kiến trúc, thiết kế kết cấu, nền móng, biện pháp kỹ thuật thi công và tổ chức xây dựng công trình.
Tiếng Anh :
Students combine and apply the knowledge they have learned to perform under the guidance of Instructors, design a project with medium-high level complex, including complete the architectural design, and execute the structural design, foundations design, design/build method of technical construction, and management of construction.
Giáo trình sử dụng, tài liệu tham khảo:
Tài liệu sử dụng:
[1] Bộ môn Xây dựng DD&CN. Hướng dẫn thực hiện đồ án tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp.2018 (Tài liệu lưu hành nội bộ)
[2] Tải trọng và tác động: Tiêu chuẩn thiết kế: TCVN 2737:1995. - Hà Nội: Xây dựng, 2011. (#000016285)
[3] Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép tiêu chuẩn thiết kế TCVN 5574-2012/Viện khoa học công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng - Hà Nội: Xây dựng, 2015[ISBN 9786048200916] (#000023126)
[4] Kết cấu thép - tiêu chuẩn thiết kế: TCVN 5575-2012 / Viện khoa học công nghệ Xây dựng -Bộ Xây dựng - Hà Nội: Xây dựng, 2014 [ISBN 9786048200916] (#000023129)
[5] Móng cọc - Tiêu chuẩn thiết kế TCVN 10304:2014 - Hà Nội: Xây dựng, 2018 (#000023148).
[6] Thiết kế công trình chịu động đất - Phần 1: Quy định chung, tác động động đất và quy định đối với kết cấu nhà, Phần 2: Nền móng, tường chắn và các vấn đề địa kỹ thuật: TCVN 9386:2012 / Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng biên soạn [Tài nguyên điện tử] - Hà Nội, 2012. (#000023164)
[7] Luật xây dựng (Số 50/2014/ QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014) - Hà Nội: Xây dựng, 2014 [ISBN 9786048213206] (#000023116)
Các sách và tài liệu tham khảo trong nước và nước ngoài khác.
7. Nội dung chi tiết:
7.1. Khối lượng thực hiện đồ án:
Căn cứ vào kết quả học tập các môn chuyên ngành và điểm trung bình học tập, sinh viên được nhận một trong các loại đồ án tốt nghiệp sau:
- ĐATN thông thường:
Ghi chú: Với các công trình ĐATN không thuộc loại trên, nhiệm vụ cụ thể của từng phần do giáo viên hướng dẫn quy định tùy thuộc đề tài và đặc điểm công trình. GVHD đề xuất khối lượng công việc của từng ĐATN để hội đồng bộ môn duyệt trước khi vào thời gian thực hiện đồ án.
- ĐATN chuyên đề:
Trong mỗi đợt giao học phần tốt nghiệp khuyến khích sinh viên thực hiện các chuyên đề tốt nghiệp về Kết cấu, Nền móng hoặc Thi công với khối lượng phần chuyên đề chiếm từ 60%-70% khối lượng chung. GVHD đề xuất khối lượng công việc của từng ĐATN để hội đồng bộ môn duyệt trước khi vào thời gian hướng dẫn đồ án.
Yêu cầu: Sinh viên thực hiện đồ án chuyên đề cần có điểm trung bình chung học tập ≥ 3,0 (thang điểm 4)
7.2 Nội dung chi tiết:
7.2.1 ĐATN thông thường: Lựa chọn thiết kế một công trình cụ thể có quy mô và mức độ phức tạp từ trung bình trở lên.
Phần Kiến trúc: 10%
Nghiên cứu kỹ hồ sơ kiến trúc, tìm hiểu công năng, quy mô - công suất và cấp công trình. Bổ sung các chi tiết còn thiếu, chưa hợp lý hoặc điều chỉnh theo yêu cầu của GVHD.
Thuyết minh trình bày từ 5-10 trang khổ A4:
+ Trình bày căn cứ và tiêu chuẩn để phân tích các giải pháp kiến trúc và giải pháp kỹ thuật công trình.
+ Phân tích sự cần thiết đầu tư, vị trí đặc điểm về kiến trúc, cấu tạo công trình. Mô tả và phân tích các giải pháp kiến trúc công trình từ móng đến mái. (Chèn các mặt bằng mặt cắt và mặt đứng điển hình vào thuyết minh).
+ Trình bày sơ bộ các giải pháp kỹ thuật như: cấp điện, cấp thoát nước, phòng cháy, giao thông, môi trường, thông gió chiếu sáng, thông tin liên lạc, đánh giá môi trường… cho công trình và các chỉ tiêu kinh tế.
+ Kết luận về sự phù hợp và sự cần thiết phải đầu tư xây dựng công trình.
Bản vẽ: thể hiện 3-4 bản vẽ A1:
+ Thể hiện mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng, các chi tiết cần thiết kế của công trình để phục vụ việc tính toán kết cấu, nền móng, thi công.
+ Yêu cầu thể hiện đầy đủ các kích thước, cao trình, trục định vị, công năng sử dụng của các phòng, khu vực trên mặt bằng.
Phần Kết cấu (45%)
So sánh và đề xuất các giải pháp kết cấu cho hệ chịu lực chính của công trình và các bộ phận kết cấu được giao, từ đó lựa chọn giải pháp thiết kế.
Lập các mặt bằng kết cấu cho tầng điển hình. Trên đó cần phân biệt rõ và đặt tên thống nhất cho các kết cấu chịu lực chính như khung, vách, lõi … các kết cấu khác như dầm, giằng, sàn, cầu thang… Cần mô tả được giải pháp thi công, kích thước, tiết diện và cao trình các cấu kiện, vật liệu sử dụng.
Thiết kế một kết cấu chịu lực chính điển hình như khung, lõi, vách…. Cần trình bày xác định sơ bộ kích thước tiết diện các cấu kiện chịu lực, các mặt bằng truyền tải, tính toán tải trọng và sơ đồ chất tải lên kết cấu. Có thể sử dụng các phần mềm tính toán kết cấu hiện hành hoặc các bảng tính tự lập để xác định nội lực, chuyển vị, diện tích cốt thép…. Tổ hợp nội lực và tính toán cốt thép cho một số phần tử theo nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở kết quả tính toán lựa chọn cốt thép và bố trí, cấu tạo tiết diện theo tiêu chuẩn thiết kế và các quy phạm hiện hành.
Thiết kế bản sàn cho tầng điển hình, thiết kế cầu thang bộ BTCT và một trong số các cấu kiện khác: bể nước, dầm giằng, vách, panel lắp ghép, dầm cầu trục, xà gồ, tường tầng hầm, sàn mái… Tính toán và cấu tạo đúng theo tiêu chuẩn thiết kế và các quy phạm hiện hành.
Với công trình là kết cấu thép nhà công nghiệp, sinh viên cần thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như lập mặt bằng kết cấu, mặt bằng bố trí xà gồ, mặt bằng giằng mái và giằng cột; thiết kế khung, dầm cầu trục, xà gồ…
Trong mỗi nhiệm vụ, căn cứ vào đặc điểm công trình và khả năng của sinh viên, GVHD có thể yêu cầu sinh viên thực hiện thiết kế thêm một phương án kết cấu khác của kết cấu chịu lực chính và/hoặc so sánh với các giải pháp kết cấu khác.
Thuyết minh trình bày không quá 80 trang khổ A4. Cần trình bày ngắn gọn, khoa học, đủ thông tin bao gồm: Trình bày các căn cứ và tiêu chuẩn thiết kế kết cấu công trình. Lập luận và phân tích để đề xuất và lựa chọn giải pháp kết cấu thích hợp cho công trình. Phần phân tích và thiết kế chi tiết cần trình bày các nội dung tính toán: Sơ bộ lựa chọn kích thước tiết diện các cấu kiện chịu lực, xác định tải trọng, mặt bằng truyền tải (khuyến khích), sơ đồ truyền tải, sơ đồ tính, cách xác định nội lực và bảng tổ hợp nội lực, các biểu đồ nội lực của các kết cấu hoặc cấu kiện được giao, … tính toán thiết kế hoặc kiểm tra cốt thép các cấu kiện và bố trí cấu tạo theo đúng tiêu chuẩn hiện hành.
Bản vẽ thể hiện từ 4-7 bản vẽ khổ A1. Thể hiện đúng quy cách của bản vẽ kỹ thuật xây dựng. Các kết cấu phải có đầy đủ các kích thước, cao trình, các mặt cắt, ký hiệu cốt thép… có đầy đủ bảng thống kê vật liệu và ghi chú cần thiết về vật liệu, phương pháp lắp đặt, phương pháp chế tạo.
Phần thể hiện bản vẽ yêu cầu tối thiểu như sau:
+ Mặt bằng kết cấu dầm sàn tầng điển hình
+ Mặt bằng thép sàn tầng điển hình và mặt cắt chi tiết thép sàn và thống kê cốt thép
+ Chi tiết thép khung được giao nhiệm vụ thiết kế, các mặt cắt dầm, cột và chi tiết cấu tạo nút khung và thống kê cốt thép khung
+ Kết cấu cầu thang bộ
+ Kết cấu bể nước (ngầm hoặc mái)
+ Kết cấu hoặc chi tiết thép cấu kiện được giao nhiệm vụ thiết kế thêm (nếu có)
Phần Nền móng: (15%)
Xem xét và đánh giá các tài liệu dùng cho thiết kế nền và móng bao gồm: Các đặc điểm công trình, điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn, các yếu tố có ảnh hưởng đến thiết kế nền móng như các công trình lân cận, ăn mòn môi trường… tại khu vực xây dựng.
Đề xuất các phương án nền móng phù hợp với công trình, trên cơ sở phân tích, lập luận, lựa chọn giải pháp nền móng hợp lý. Dùng giải pháp đã lựa chọn để tính toán, thiết kế một số móng cụ thể. (Móng của khung trục thiết kế, các móng khác của mặt bằng móng thể hiện theo kết quả lựa chọn sơ bộ).
Thuyết minh từ 20-30 trang khổ A4, trình bày các căn cứ và tiêu chuẩn, quy chuẩn tài liệu dùng để thiết kế nền móng công trình. Nêu, phân tích, lựa chọn và tính toán thiết kế giải pháp nền móng phù hợp với công trình. Các vấn đề cần được trình bày đầy đủ, có các lập luận khoa học, các bảng biểu, sơ đồ tính toán, thuyết minh tính toán cụ thể và các hình vẽ minh họa.
Bản vẽ thể hiện từ 2-3 bản vẽ khổ A1. Thể hiện mặt bằng kết cấu móng công trình, địa chất công trình, chi tiết các móng đã tính toán thiết kế.
Phần thi công: 30%
Căn cứ vào các giải pháp kết cấu, nền móng đã thực hiện, sinh viên cần phân tích về các mặt khoa học, thực tiễn, kinh tế, tính khả thi để lựa chọn và quyết định giải pháp kỹ thuật và tổ chức thi công cho công trình.
Giới thiệu công trình và các điều kiện liên quan đến giải pháp thi công và trình bày các công tác chuẩn bị trước khi thi công.
a. Phần kỹ thuật thi công (15%): Lập biện pháp thi công cho phần ngầm và phần thân công trình:
Phần ngầm: Lập biện pháp thi công đất, biện pháp thi công móng BTCT: như thi công đóng hoặc ép cọc BTCT, thi công cọc khoan nhồi, thi công ván khuôn, cốt thép và bê tông móng. Với những công việc cụ thể cần so sánh, trình bày giải pháp sử dụng thiết bị, nhân công, phương tiện vận chuyển. Ngoài ra cần trình bày những nội dung chính của các công việc khác trong thuyết minh. Cần có các bảng tổng hợp khối lượng thi công cho các công tác thi công phần ngầm phục vụ lập tiến độ thi công.
Phần thân: Lập biện pháp thi công tầng điển hình: Công tác ván khuôn cột chống, cốt thép, bê tông dầm sàn, cầu thang, cột hoặc lắp đặt panel cho công trình lắp ghép. Nếu công trình là nhà công nghiệp cần thực hiện các công tác lắp dựng cột, dầm cầu trục, kết cấu đỡ mái và panel mái. Trong mỗi công việc cần phân tích, so sánh các giải pháp để lựa chọn và tính toán cho phương án khả thi nhất. Cần có các bảng tổng hợp khối lượng thi công cho các công tác của tầng điển hình (tối thiểu) để lập tiến độ thi công.
b. Phần tổ chức thi công: (15%)
Lập tiến độ thi công cho phần ngầm và/hoặc phần thân công trình: Tùy theo trình độ, GVHD giao cho sinh viên lập tiến độ thi công cho công trình sử dụng một trong các phương án: Sơ đồ ngang, xiên, mạng. Tiến độ thi công công trình có thể thực hiện bằng tay hoặc dùng phần mềm MS Project và phải do sinh viên tự làm. Cần chú ý đảm bảo trình tự thi công hợp lý, các yêu cầu kỹ thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn lao động. Các thợ chính như nề, mộc, côp pha sắt, hoàn thiện… phải có tính liên tục.
Lập tổng mặt bằng thi công: Phải được xác định sau khi tính toán hợp lý, nghiêm túc các thông số về kho bãi, lán trại, điện nước, giao thông, hướng gió….
c. Công tác an toàn lao động
Trình bày những giải pháp chính về an toàn lao động trong suốt quá trình thi công công trình.
d. Thể hiện:
Thuyết minh: Trình bày từ 30-35 trang khổ A4
Trình bày các căn cứ và tiêu chuẩn cho thi công và nghiệm thu hiện hành. Tất cả các giải pháp được đề xuất và xác định dựa trên cơ sở của các tiêu chuẩn hiện hành và các đặc điểm riêng của công trình. Giới thiệu công trình và các điều kiện liên quan đến giải pháp thi công và trình bày các công tác chuẩn bị trước khi thi công..
Phân tích khoa học, thực tiễn, kinh tế, khả thi để đề xuất được biện pháp thi công. Có sơ đồ tính toán, phương án vận chuyển vật tư, vật liệu theo phương ngang và phương đứng.
Thể hiện tính toán đầy đủ, đúng khối lượng các công tác cần thiết thể hiện trong các bảng tổng hợp khối lượng thi công cho các công tác, sử dụng đúng định mức hiện hành.
Bản vẽ: Thể hiện từ 3-4 bản vẽ khổ A1:
Thể hiện các giải pháp lựa chọn và nội dung đã tính toán, tổng mặt bằng thi công và bản tiến độ thi công.
Gồm các bản vẽ sau:
+ Kỹ thuật và Biện pháp thi công cọc/ móng
+ Kỹ thuật và Biện pháp thi công đào đất
+ Kỹ thuật và Biện pháp thi công bê tông móng
+ Kỹ thuật và Biện pháp thi công phần thân công trình (mặt bằng và mặt cắt thi công tầng điển hình, các chi tiết coppa dầm, cột, sàn, cầu thang…)
+ Tiến độ thi công phần ngầm và/hoặc phần thân công trình
+ Tổng Mặt bằng thi công
7.2.2 ĐATN chuyên đề:
Đề tài ĐATN chuyên đề là những kết cấu chuyên dụng, đặc biệt cần được thiết kế về kết cấu, nền móng và thi công như: Tháp trụ, kết cấu nhịp lớn, kết cấu hỗn hợp, kết cấu liên hợp, xi lô, bunke …
ĐATN chuyên đề phải được GVHD đồng ý hướng dẫn và Hội đồng tốt nghiệp khoa, bộ môn chấp thuận.
Tùy theo từng nội dung chuyên đề, bộ môn và GVHD sẽ quyết định giao nhiệm vụ thiết kế và khối lượng cụ thể các phần công việc cho phù hợp.
Thuyết minh từ 120-180 trang khổ A4 (không kể phần phụ lục), trình bày các phương án, so sánh và chọn phương án hợp lý từ đó tính toán cụ thể cho từng bộ phận kết cấu.
Bản vẽ từ 12-18 bản vẽ khổ A1, thể hiện đầy đủ các nội dung đã tính toán, được trình bày khoa học, cô đọng, rõ ràng và sạch sẽ.
Quy định chung về Hồ sơ tốt nghiệp:
Thuyết minh toàn bộ ĐATN được đóng thành quyển có bìa khổ A4 (trình bày theo mẫu do khoa quy định), có mục lục, số trang, có nhiệm vụ của từng phần kèm theo chức danh và họ tên của giáo viên hướng dẫn. Khung tên trên bản vẽ trình bày theo mẫu quy định của Khoa.
Hồ sơ ĐATN nộp gồm 2 bộ bản vẽ: 1 bộ bản vẽ A1 cuộn giấy; 1 bộ bản vẽ A2 đóng quyển. Hai quyển thuyết minh tính toán (in 2 mặt) và 1 đĩa CD ghi lại toàn bộ nội dung đồ án. SV nộp lại “Phiếu theo dõi tiến độ thực hiện ĐATN” cho Bộ môn để Nhà trường thanh kiểm tra khi cần thiết.